Nép mình trong khung cảnh thơ mộng của một vùng núi tỉnh Hòa Bình, Xóm Sưng là ngôi nhà chung của 78 hộ dân sống trong những ngôi nhà rường truyền thống, trong đó có một số nhà đã được xây dựng từ lâu đời. Với khí hậu mát mẻ và cảnh quan tuyệt đẹp, Xóm Sưng là nơi lý tưởng để trốn khỏi sự ồn ào, náo nhiệt của thành phố.
Xóm Sưng là nơi sinh sống của cộng đồng người Dao Tiến, một dân tộc thiểu số còn duy trì nhiều phong tục độc đáo, khiến ngôi làng 300 tuổi này trở thành điểm đến ấn tượng cho du khách yêu thích trải nghiệm chân thực. Hầu hết người dân địa phương đều sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Đà Bắc là những gia chủ thân thiện và hiếu khách.
Trấn giữ cửa ngõ vùng Tây Bắc Việt Nam, tỉnh Hòa Bình tự hào là một trong những cái nôi của nền văn hóa cổ Việt Nam (Văn Hóa Hòa Bình).
Tỉnh Hòa Bình có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những cánh rừng nguyên sinh, hang động hùng vĩ, suối hồ thơ mộng, ruộng bậc thang trải dài và những ngọn đèo dốc quanh co. Với nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, Hòa Bình có một nền văn hóa đa dạng đặc sắc. Hiện nay, trên địa bàn có 06 thôn, bản du lịch cộng đồng do Action on CBT hỗ trợ tại các huyện Đà Bắc, Mai Châu và Tân Lạc. Thông qua loại hình du lịch này, du khách có thể hiểu thêm về văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương.
Người Dao có nguồn gốc từ Trung Quốc, việc chuyển cư sang Việt Nam kéo dài suốt từ thế kỷ 12, 13 cho đến nửa đầu thế kỷ 20. Dân tộc Dao cư trú chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn. Dân tộc Dao chia thành nhiều phân hệ được biết đến với nhiều tên gọi (tộc danh) khác nhau như Kiềm Miền, Kìm Mùn, Kìm Mần, Bièo Mùn, Liào Mần, Dù Miền, Dìu Miền hay Yìu Miền. Xóm Sưng có phần lớn người dân là dân tộc Dao Tiền. Tiền ở đây có nghĩa là tiền đồng hoặc đồng xu, tên gọi này bắt nguồn từ những đồng xu gắn trên trang phục của họ.
Người Dao Tiền là phân hệ Dao duy nhất sử dụng tiền xu cũng như trang trí các họa tiết hình tiền xu trên trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống của người Dao Tiền được làm từ vải chàm, có hoa văn vẽ bằng sáp ong, hoặc thêu tay tỉ mỉ. Phụ nữ Dao Tiền dùng sáp ong đun nóng để in hoa văn, sau đó thêu các họa tiết biểu tượng cây cối, con vật, hình người lên trang phục. Người Dao tin rằng việc mặc trang phục thêu hình chú chó và bông hoa tám cánh cách điệu và trang trí bằng tiền xu khi đi rừng sẽ giúp tránh được ma quỷ và gặp nhiều may mắn.
Ngôn ngữ Dao thuộc nhóm Mông-Dao. Từ xa xưa, người Dao đã sử dụng các ký tự chữ Hán (nhưng phát âm theo cách của người Dao) gọi là chữ Nôm Dao. Ở Xóm Sưng, những người cao tuổi tổ chức các lớp dạy tiếng Dao và các bài hát cổ cho thế hệ trẻ, đặc biệt là cho các em nữ.
Tín ngưỡng của người Dao là tín ngưỡng đa thần “vạn vật hữu linh” mang dấu ấn của Nho giáo và Đạo giáo chính thống. Tư tưởng Nho giáo được thể hiện rõ trong cách phân định tôn ti, trật tự, theo thứ bậc ở mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Đồng thời, Đạo giáo ảnh hưởng bao trùm hầu hết các phong tục tập quán thờ cúng tổ tiên. Thầy mo có vị trí quan trọng trong cộng đồng người Dao, người này phải biết đọc biết viết chữ Nôm Dao.
Dân số: 383 người, 78 hộ gia đình
Diện tích: 7,280,000 sqm
Khí hậu: Huyện Đà Bắc nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới gió mùa và có hai mùa rõ rệt. Mùa khô lạnh kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, mùa nóng ẩm kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình toàn huyện là 23,5 °C , nhiệt độ cao nhất khoảng 38-39 °C , nhiệt độ thấp nhất là 12 °C . Lượng mưa trung bình là 1.570 mm/năm, tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 9.
Hầu hết các xã trên địa bàn huyện Đà Bắc đều chịu ảnh hưởng của gió Tây khô nóng kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, kéo dài từ 2 đến 3 ngày, trung bình 5-10 ngày/năm. Vào mùa mưa thường xuyên xảy ra lũ quét, phá hủy đường sá, gây thiệt hại về hoa màu, ruộng lúa.
Nằm rải rác xung quanh xóm Sưng có các cung đường đi bộ lên núi, qua suối, ruộng bậc thang hay băng qua khu vực sản xuất của bà con. Các tuyến đường mòn trekking nối Xóm Sưng và Đá Bia có chiều dài dao động từ 6km đến 13km. Du khách sẽ đi bộ băng qua nương ngô rẫy lúa của bà con, được ngắm nhìn khung cảnh bát ngát của hồ Hòa Bình. Nếu đi bộ đường dài hơi quá sức, du khách hoàn toàn có thể lựa chọn đi thăm Hang Sưng ngay gần xóm hoặc đi bộ quanh thôn buổi sáng sớm hoặc lúc chiều tà.
Hang Sưng nằm cách trung tâm Xóm Sưng khoảng nửa km và du khách có thể dễ dàng tiếp cận trong khoảng một tiếng đồng hồ. Hang khá nông và rộng với lối vào không quá dốc, đi xuyên qua nương rẫy và cánh rừng già.
Xóm Sưng là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động nghỉ ngơi và thư giãn. Những món ăn địa phương như thịt chua, rượu hoẵng, xôi nếp nương, rau củ, cá nướng được chế biến từ những nguyên liệu tươi ngon và trình bày đẹp mắt chắc chắn sẽ kích thích thị giác và vị giác của những vị khách khó tính nhất.
Khám phá văn hóa của dân tộc Dao thông qua trang phục và nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Dao. Những thước vải thổ cẩm vẫn được làm hoàn toàn thủ công ở Xóm Sưng với kỹ thuật nhuộm, vẽ sáp ong và thêu tay truyền thống. Ghé thăm nhà bà Tiến, nơi nhóm thổ cẩm bày bán đồ lưu niệm như quần áo, túi xách, khăn trang trí, hoặc nếu du khách đến thăm vào mùa chàm (giữa tháng 8 và tháng 12) có thể xem các bà các cô nhuộm chàm.
Du khách sẽ được thư giãn tắm lá thảo dược, giúp lưu thông tuần hoàn máu và giảm đau nhức, stress. Nước tắm nóng ‘già’ được nấu từ hỗn hợp các loại thảo dược theo công thức bí truyền của người Dao. Hãy tưởng tượng được ngâm mình khoan khoái trong bồn tắm gỗ xinh xắn trong một không gian riêng tư, ấm áp để thả lỏng cơ thể sau một ngày khám phá hết công suất, thật tuyệt vời biết bao!
Cùng xem các công đoạn làm giấy dó (giấy làm từ vỏ cây dó), một quy trình hoàn toàn thủ công truyền qua nhiều thế hệ Xóm Sưng. Từ xa xưa, người Dao Tiền thường dùng giấy dó để ghi chép sử sách, những bài thi ca và viết sơ cầu xin thần linh những điều tốt đẹp.
Tại Xóm Sưng hiện có ba homestay (nhà lưu trú), mỗi nhà do một hộ gia đình trong cộng đồng sở hữu và quản lý. Các homestay này được xây dựng hoặc cải tạo với hồn cốt là ngôi nhà lợp lá cọ truyền thống của người Dao Tiền. Du khách có thể lựa chọn nghỉ ngơi trên những chiếc giường đơn bằng gỗ, có nệm dày êm ái với khăn trải giường sạch sẽ, thoải mái và khăn, nệm, gối luôn được giặt mới. Mỗi giường đều có màn chống muỗi và rèm có thể đóng lại để tăng thêm sự riêng tư. Mỗi homestay có khoảng 12 giường.
Các nhà lưu trú ở Xóm Sưng đều được trang bị nước nóng và Wi-Fi. Phòng tắm vòi hoa sen nằm tách biệt khỏi nơi ngủ chính và khu vực rửa tay.
Năm 2017, với sự hỗ trợ của Action on Poverty tại Việt Nam, chương trình du lịch cộng đồng lần đầu được giới thiệu đến Xóm Sưng. Tháng 4/2017, người dân xóm Sưng đón tiếp những vị khách đầu tiên. Xóm Sưng hiện có 3 homestay (nhà lưu trú) và các tổ nhóm dịch vụ bao gồm hướng dẫn du lịch, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất thổ cẩm, và vận chuyển. Hơn 50 hộ gia đình tham gia và hưởng lợi từ du lịch thông qua các nhóm dịch vụ này, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Với thế mạnh là thiên nhiên hoang sơ, văn hóa truyền thống độc đáo và tinh thần đoàn kết cộng đồng, Xóm Sưng đã thu hút nhiều du khách nước ngoài đến thăm để trao đổi giao lưu văn hóa và là nơi lý tưởng để nghiên cứu truyền thống, phong tục tập quán dân tộc Dao Tiền.
Xem vị trí Xóm Sưng trên bản đồ.